Trang chủ » Chăm sóc » Vì sao con bị chảy máu cam, và bạn nên xử trí thế nào khi đó?

Vì sao con bị chảy máu cam, và bạn nên xử trí thế nào khi đó?

“Chảy máu cam” là tình trạng thường xảy ra ở các bé từ 3-10 tuổi, tuy trông đáng sợ nhưng thường tự hết và có thể chữa trị tại nhà một cách an toàn. Tình trạng này thường xảy ra trong những tháng mùa lạnh, khi không khí khô và bé dễ bị nhiễm trùng.

Bạn nên làm gì?
– Bình tĩnh và trấn an con, cho con ngồi trên ghế hoặc trong lòng bạn, hơi nghiêng đầu con về phía trước;

– Nhè nhẹ bóp mũi con (phần bên dưới sống mũi) bằng một miếng khăn giấy hay khăn sạch; giữ áp lực này khoảng 10 phút, nếu bạn ngừng quá sớm thì có thể máu sẽ chảy lại;

– Cho con nghỉ ngơi một chút sau khi bị chảy máu cam, trong thời gian này có thể cho con đọc sách, xem phim, tránh vận động mạnh, xì mũi, ngoáy mũi, giụi mũi…

Đầu hơi nghiêng về trước, tay bóp nhẹ mũi là cách xử trí đúng khi chảy máu cam (Ảnh: Inmagine)

– Đừng để con ngửa ra sau hoặc nằm ra vì có thể khiến máu chảy ngược xuống họng, gây vị khó chịu và có thể gây ho hoặc ói. Bạn cũng đừng dùng bông nút mũi của bé lại khi đang hoặc sau khi bị chảy máu cam vì sau khi rút bông ra máu vẫn có thể chảy lại như thường.

Hãy gọi bác sỹ nếu:
– Con bị chảy máu cam thường xuyên; bé dễ bị chảy máu, dễ bị bầm, bị chảy máu nhiều dù vết thương không lớn;
– Có thể có dị vật trong mũi của bé;
– Bé vừa bắt đầu dùng một loại thuốc mới;
– Con bị chảy máu cam sau khi bị ngã hoặc chấn động vùng đầu;
– Con vẫn tiếp tục chảy máu sau hai nỗ lực cầm máu;
– Con bị chảy máu nhiều, sau đó tái hẳn đi, chóng mặt, lả người;
– Bé ho hoặc nôn ra máu tươi hoặc chất màu nâu trông giống bã cà phê.

Nguyên nhân gây chảy máu cam
Trẻ nhỏ thường hay bị chảy máu cam hơn người lớn, và nguyên nhân phổ biến nhất là do con ngoáy mũi, và do không khí khô. Không khí khô rất dễ kích thích làm khô vách ngăn mũi, tạo thành các vảy gây ngứa và nếu đụng vào thì gây chảy máu. Bệnh cảm lạnh cũng có thể gây kích ứng niêm mạc mũi, và tình trạng chảy máu có thể xảy ra sau khi xì mũi nhiều lần; bị cảm trong thời tiết hanh khô của mùa lạnh thì đúng là điều kiện lý tưởng cho chảy máu cam.

Một số loại thuốc dị ứng như antihistamines hay decongestants để kiểm soát tình trạng mũi bị ngứa, chảy nước mũi hay nghẹt mũi cũng có thể là nguyên nhân bởi chúng có thể làm khô màng mũi và góp phần gây dễ chảy máu cam.

Ngoài nguyên nhân ngoáy mũi thì bé cũng có thể bị chảy máu cam do một tác động vật lý khác: bị ngã hay bị vật gì đập vào, bị dị vật lọt vào mũi… Trong các trường hợp này, hãy dùng các thủ thuật để ngăn chảy máu mũi; nếu bạn không thể cầm máu sau 10 phút hoặc lo lắng về các chấn thương khác có thể gặp phải, hãy đưa con đến gặp bác sỹ ngay.

Chảy máu cam hiếm khi là dấu hiệu đáng báo động, nhưng chảy máu cam thường xuyên có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn. Nếu con bạn bị chảy máu cam nhiều hơn 1 lần/ tuần thì cần phải đi bác sỹ. Nếu chảy máu không phải là do vấn đề dị ứng, nhiễm trùng xoang hay các mạch máu bị kích thích, bác sỹ có thể đề nghị thực hiện thêm các xét nghiệm để biết vì sao con bạn lại bị tình trạng này. Khả năng tuy hiếm nhưng cũng có thể xảy ra đó là tình trạng rối loạn chảy máu hoặc mạch màu hình thành bất thường.

Cắt móng tay gọn gàng cũng là cách phòng tránh chảy máu cam (Ảnh: Inmagine)

Phòng ngừa chảy máu cam
Vì chủ yếu các trường hợp chảy máu cam ở trẻ nhỏ là do các bé ngoáy mũi hoặc do không khí khô nóng nên bạn hãy thử các mẹo nhỏ sau đây:

– Cắt gọn gàng móng tay cho con để phòng ngừa những thương tổn có thể gây ra khi bé ngoáy mũi, và tốt nhất hãy giúp con hạn chế và từ bỏ thói quen ngoáy mũi;

– Giữ ẩm mũi cho con bằng cách dùng nước muối xịt hoặc thoa thuốc mỡ kháng sinh dịu nhẹ xung quanh, ngay dưới mũi, đặc biệt vào buổi đêm;

– Làm ẩm không khí trong phòng bằng cách dùng máy tạo ẩm (nếu nhà bạn quá khô), và nếu bạn sử dụng các loại máy móc này, hãy chú ý vệ sinh chúng sạch sẽ kẻo lợi bất cập hại;

– Bảo đảm cho con có những thiết bị bảo hộ khi chơi những môn thể thao vận động có thể bị tác động đến mũi của bé.

Cuối cùng, bạn hãy nhớ rằng kể cả khi đã thực hiện hết các biện pháp phòng ngừa thì con bạn thỉnh thoảng vẫn có thể bị chảy máu cam. Nếu chuyện đó có xảy ra thì bạn cũng đừng hoảng hốt và hãy nhớ lại những gì đã đọc nhé!

0901.570.185
Zalo: 0901.570.185